Giới thiệu "Sáng kiến ESG Việt Nam 2023"
ESG là cụm từ viết tắt của "Environmental" (Môi trường), “Social” (Xã hội), và “Governance” (Quản trị doanh nghiệp). Đây là khung đánh giá để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 (Vietnam ESG Initiative 2023) là chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững triển khai thực hành khung đánh giá ESG. Sáng kiến được hình thành trong khuôn khổ hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm trong khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Sáng kiến này là một phần của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ dự án.
Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 là một trong những nỗ lực góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định 167/QD-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững. Việc áp dụng thực hành ESG sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng xanh toàn cầu.
Là sáng kiến đầu tiên của USAID tại Việt Nam về ESG dành cho các doanh nghiệp, sáng kiến sẽ tài trợ thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng 3 sáng kiến xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và kinh doanh bao trùm, nhằm lan tỏa các mô hình kinh doanh bền vững với tổng giá trị hỗ trợ kỹ thuật lên tới 2 tỷ đồng.
Lợi ích khi tham gia Sáng kiến ESG Việt Nam 2023
1. Cơ hội nhận hỗ trợ kỹ thuật với tổng giá trị lên tới 2 tỷ đồng
Top 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc sẽ được nhận hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu từ Dự án USAID IPSC nhằm thí điểm, triển khai, hoặc nhân rộng các sáng kiến ESG xuất sắc. Tổng giá trị tài trợ kỹ thuật lên tới 2 tỷ đồng.
2. Được đào tạo, tư vấn hoàn thiện mô hình kinh doanh lồng ghép ESG
Top 10 doanh nghiệp vào vòng chung kết sẽ được tham gia chương trình đào tạo/tư vấn của Dự án USAID IPSC (kéo dài 4-6 tuần) nhằm nâng cao hiểu biết về mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh doanh bao trùm, điều chỉnh/hoàn thiện mô hình kinh doanh lồng ghép các yếu tố ESG, và xây dựng/hoàn thiện kế hoạch triển khai ESG tại doanh nghiệp.
3. Được hỗ trợ mở rộng mạng lưới kinh doanh bền vững
Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước ở cả cấp trung ương và địa phương hỗ trợ hệ sinh thái kinh doanh bền vững nhằm phát triển mạng lưới, mở rộng quan hệ đối tác và học hỏi nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về áp dụng ESG, kinh tế tuần hoàn và kinh doanh bao trùm.
4. Được hỗ trợ tiếp cận các chương trình hỗ trợ khác và nhà đầu tư
Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ của nhà nước, quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng, và các tổ chức khác dành cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững tại Việt Nam.
5. Được nâng cao hiểu biết về ESG
Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của ESG, các công cụ đánh giá ESG từ góc nhìn của nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, các thị trường xuất khẩu trọng tâm, và các quy định pháp luật liên quan.
Điều kiện tham gia chương trình
Để tham gia chương trình, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chí sau đây:
- Là tổ chức/đơn vị kinh tế Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, và hộ kinh doanh, với không quá 500 nhân viên toàn thời gian và đang không có tranh chấp pháp lý.
- Hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên của dự án USAID IPSC (nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, du lịch và sản phẩm hỗ trợ).
- Có mô hình kinh doanh hiệu quả, tạo ra lợi nhuận.
- Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hoặc/và mô hình kinh doanh bao trùm.
- Mô hình kinh tế tuần hoàn: Có mô hình kinh doanh, với các thực hành xanh, với các giải pháp chuyển đổi tuần hoàn thượng nguồn (upstream, ở đầu chuỗi giá trị) thông qua hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và khí hậu, không tạo ra rủi ro về môi trường và khí hậu tại thời điểm sản xuất kinh doanh và trong tương lai..
- Mô hình kinh doanh bao trùm: Có mô hình kinh doanh/chuỗi giá trị sáng tạo, có sự tham gia của người thu nhập thấp (ở vai trò cung cấp, tiêu dùng, phân phối, người lao động, v.v) qua đó giải quyết các vấn đề của người thu nhập thấp, tạo thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, cung cấp sản phẩm dịch vụ có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, dễ tiếp cận với người thu nhập thấp.
- Có kế hoạch chuyển đổi sang kinh doanh bền vững hoặc mở rộng mô hình kinh doanh bền vững, cam kết hành động thí điểm để chuyển đổi/nhân rộng sáng kiến kinh doanh bền vững.
Tìm hiểu thêm về mô hình kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh doanh bao trùm tại đây.
Lộ trình lựa chọn và hỗ trợ doanh nghiệp
Bắt đầu nhận hồ sơ tham gia
Đào tạo cơ bản cho doanh nghiệp đáp ứng điều kiện tham gia
Qua sàng lọc, các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện tham gia chương trình sẽ được nhận đào tạo cơ bản từ Dự án USAID IPSC về tầm quan trọng của ESG, các công cụ đánh giá ESG từ góc nhìn của nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, các thị trường xuất khẩu trọng tâm, và các quy định pháp luật liên quan. Chương trình đào tạo dự kiến sẽ kéo dài 01 ngày và diễn ra dưới hình thức trực tuyếnTop 15 doanh nghiệp xuất sắc nhất trình bày sáng kiến trước Hội đồng đánh giá
Top 15 doanh nghiệp sẽ trình bày về mô hình kinh doanh tuần hoàn/bao trùm của mình trước Hội đồng đánh giá (dự kiến 15-30 phút/doanh nghiệp) dưới hình thức trực tuyến.Công bố Top 10 doanh nghiệp xuất sắc
Hội đồng đánh giá lựa chọn và công bố Top 10 doanh nghiệp xuất sắc nhất tham gia vòng chung kết.Đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp Top 10
Top 10 doanh nghiệp tham gia vòng Chung kết và tiếp nhận đào tạo/tư vấn từ dự án USAID IPSC dưới hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến:• Nâng cao hiểu biết về mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh doanh bao trùm
• Điều chỉnh/Hoàn thiện mô hình kinh doanh hướng đến kinh doanh bền vững và lồng ghép ESG trong hoạt động doanh nghiệp
• Xây dựng/Hoàn thiện Kế hoạch triển khai ESG tại doanh nghiệp
Vòng chung kết
Top 10 doanh nghiệp tham gia vòng Chung kết trình bày trước Hội đồng đánh giá. Hội đồng đánh giá lựa chọn và công bố 3 doanh nghiệp thắng cuộc nhận hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu từ dự án USAID IPSC để thí điểm, triển khai, hoặc nhân rộng các sáng kiến/mô hình đề xuất.Công bố kết quả & Hỗ trợ doanh nghiệp
Top 3 doanh nghiệp thắng cuộc ký thỏa thuận hợp tác và tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ dự án USAID IPSC để thí điểm, triển khai, hoặc nhân rộng các sáng kiến/mô hình đề xuất.Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ tham gia
Tiêu chí đánh giá và lựa chọn doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ chương trình (Click để xem chi tiết)
Các câu hỏi thường gặp
1. Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký tham gia Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 ở đâu?
Doanh nghiệp quan tâm nộp hồ sơ bản mềm qua địa chỉ: https://bit.ly/ESGVN23.
2. Khi có thắc mắc trong quá trình nộp hồ sơ, tôi có thể liên lạc với ai?
Doanh nghiệp chọn trong những cách sau:
Gửi email tới địa chỉ: info@ipsc.vn.
Nhắn tin cho Dự án IPSC qua trang Facebook: https://www.facebook.com/usaid.ipsc.
Gọi điện thoại tới đường dây nóng: 0932314888 (Gặp chị Tiên)
3. Doanh nghiệp sẽ nhận được những hỗ trợ gì từ chương trình?
Sáng kiến ESG Việt Nam – Đợt 1 (năm 2023) sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chuyên sâu với tổng trị giá lên tới 2 tỷ đồng cho Top 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc để triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững.
Top 10 doanh nghiệp xuất sắc nhất sẽ được đào tạo và tư vấn chuyên sâu trong 4-6 tuần để điều chỉnh hoặc hoàn thiện mô hình kinh doanh lồng ghép các yếu tố ESG.
Bên cạnh đó, tất cả các doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia và đáp ứng các tiêu chí của chương trình sẽ được đào tạo cơ bản nhằm nâng cao hiểu biết về ESG, và tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ hệ sinh thái kinh doanh bền vững.